TBKTSG Online - Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24-7 trên website của mình đã cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục giảm khi 7 tháng đầu năm kim ngạch của toàn ngành ước đạt 15,59 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,6% so với cùng kỳ.
Trong khi các mặt hàng nông sản chính giảm tới 11,9% xuống 7,84 tỉ đô la, thủy sản 3,41 tỉ đô la, tăng không đáng kể, thì đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ tăng khá, 12,3%.
Xuất khẩu gạo tiếp tục sụt giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Trong tháng 7 lượng gạo xuất khẩu ước 633.000 tấn với giá trị 293 triệu đô la, nâng 7 tháng đầu năm ước xuất khẩu 4,22 triệu tấn gạo với 1,88 tỉ đô la, giảm 11,3% về khối lượng và 13% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức thấp, bình quân 6 tháng đầu năm chỉ 443 đô la/tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhưng giá lại giảm, đạt trên 1,29 triệu tấn với giá trị đạt xấp xỉ 526,5 triệu đô la, chiếm 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng lần lượt là 20% và 16,7%.
Tương tự với gạo, giá cao su xuất khẩu giảm mạnh đã tác động mạnh tới kim ngạch xuất khẩu cao su. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 2.540 đô la/tấn, giảm 15,9% so với cùng kỳ. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 7 đạt 113 ngàn tấn với giá trị 240 triệu đô la, nâng 7 tháng đầu năm xuất khẩu 498 ngàn tấn với giá trị đạt trên 1,21 tỉ đô la, giảm nhẹ về khối lượng 4,5% nhưng kim ngạch giảm tới 18,4% so với cùng kỳ.
Trung Quốc mặc dù vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam (chiếm 44,8% tổng giá trị xuất khẩu) nhưng có xu hướng sụt giảm mạnh trong thời gian qua: giảm 12,9% về khối lượng và giảm 24,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam là Malaysia với 20% tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng 17% về khối lượng nhưng giảm 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt hàng cà phê tuy giá xuất khẩu không giảm nhưng đổi lại khối lượng lại giảm mạnh, kéo theo kim ngạch giảm. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 2.160 đô la/tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 7 ước đạt 93 ngàn tấn, giá trị đạt 200 triệu đô la đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm ước đạt 890 ngàn tấn, giá trị đạt xấp xỉ 1,91 tỉ đô la, giảm 23,7% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so cùng kỳ.
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 quí đầu năm với thị phần lần lượt là 13,1% và 11,4%, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu sang hai thị trường này giảm mạnh, lần lượt là 21,1% và 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang Anh và Nga tăng mạnh với mức tăng tương ứng đạt 17,6% và 16,2%.
Tương tự như cà phê, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn giá xuất khẩu không giảm nhưng lại tụt giảm mạnh về khối lượng. Xuất khẩu sắn trong tháng 7 ước đạt 117 ngàn tấn, giá trị đạt 44 triệu đô la đưa khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm nay đạt xấp xỉ 2,2 triệu tấn với giá trị 692 triệu đô la, giảm 27,1% về lượng và giảm 22,5% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu sắn sang thị trường Hàn Quốc, Malaysia và Philippines tăng trưởng đáng kể với mức tăng từ 1,35 đến 1,66 lần. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở các thị trường lớn như Trung Quốc (giảm 33%), Nhật Bản (giảm 70,9%), và Đài Loan (giảm 2,7%).
Nhóm hàng xuất khẩu tăng khá là đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và thủ công mỹ nghệ trong tháng 7 đạt 447 triệu đô la, đưa giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt trên 2,9 tỉ đô la, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong 6 tháng đầu năm, ngoại trừ thị trường Đức (giảm 12,1%) và Pháp (giảm 5%), xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh, Mỹ tăng 6,4%, Trung Quốc tăng 15,9%, Nhật Bản tăng 18,6%, và Hàn Quốc tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 7 ước đạt 592 triệu đô la, đưa giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 3,41 tỉ đô la, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam chiếm 20,5% tổng kim ngạch.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 578,6 triệu đô la, tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan cũng có sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng tương ứng đạt 55,1% và 13,4% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thủy sản sụt giảm ở các thị trường như Nhật Bản (giảm 4,2%), Hàn Quốc (giảm 20,4%), và Tây Ban Nha (giảm 12,4%).
0 comments:
Post a Comment