Trước sức ép ngày càng gia tăng từ phía nông dân, ngày 1/7, Chính phủ Thái Lan đã quyết định tăng giá thu mua lúa gạo trong vụ thứ hai của niên vụ 2012-2013 từ mức 12.000 baht/tấn thóc lên 15.000 baht/tấn.
Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cách chức Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom trong bối cảnh ông này đang phải hứng chịu những lời chỉ trích từ dư luận về chương trình mua tạm trữ gạo - một chương trình đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời khiến quốc gia Đông Nam Á này mất vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo nhật báo The Nation, phát biểu sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia (NRPC) ngày 1/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittiratt Na-Ranong cho biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở nguồn tài chính sẵn có và kế hoạch bán bớt gạo trong kho dự trữ quốc gia của tân Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisal.
Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan vẫn để ngỏ khả năng giảm mức trợ giá lúa gạo trong niên vụ tới. The Nation cho biết mức giá thu mua lúa gạo của Chính phủ trong niên vụ tới sẽ được thay đổi tùy thuộc vào những diễn biến trên thị trường thế giới và biến động tỷ giá hối đoái của đồng baht.
Mức giá này sẽ được thông báo trước niên vụ tới. Do vậy, nông dân Thái Lan có thể tự đưa ra quyết định trồng thêm lúa hay chuyển sang cây trồng khác để có thể tăng thu nhập.
Bình luận về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nông học, Wichian Puanglamjiak, nói nông dân cần được tham vấn trước khi Chính phủ giảm giá thu mua tối thiểu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ nông dân bằng cách giảm giá phân bón, hạt giống và thuốc trừ sâu thông qua các khoản trợ cấp hoặc giảm thuế cùng với việc cung cấp các khoản vay ưu đãi.
Chính phủ Thái Lan bắt đầu triển khai chương trình mua tạm trữ lúa gạo từ tháng 10/2011, với giá thu mua được cố định ở mức 15.000 baht/tấn gạo, nhằm tăng thu nhập cho các hộ nông dân.
Tuy nhiên, chương trình này đang gây tranh cãi trong dư luận Thái Lan khi có một số ý kiến cho rằng chương trình này là lãng phí và chỉ tạo điều kiện cho tham nhũng và buôn lậu gạo.
Vào trung tuần tháng trước, Chính phủ Thái Lan thừa nhận số lỗ tạm thời từ chương trình trên là 136 tỷ baht. Cùng với việc gây thiệt hại cho ngân sách, chương trình này còn khiến giá lúa gạo xuất khẩu Thái Lan tăng vọt và làm giảm lợi thế cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế.
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến Thái Lan để mất vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào tay Ấn Độ trong năm ngoái khi chỉ xuất khẩu được 6,9 triệu tấn gạo, giảm mạnh so với con số 10,6 triệu tấn của năm 2011.
Ngày 3/6, tổ chức Moody’s Investors Service Inc. cảnh báo tình trạng này có thể gây trở ngại để Bangkok hoàn thành mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2017 và tác động tiêu cực đến bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này.
Trong bối cảnh đó, hôm 19/6, Chính phủ Thái Lan đã quyết định giảm mức trợ giá cho những người trồng lúa theo chương trình mua tạm trữ lúa gạo.
Theo đó, kể từ ngày 1/7, Chính phủ Thái Lan sẽ chỉ trả 12.000 baht (390 USD) cho 1 tấn thóc, giảm 20% so với mức giá thu mua vẫn được áp dụng kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình trên (15.000 baht/tấn).
Tuy nhiên, quyết định trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt của nhiều nông dân. Nhiều hộ nông dân đã kêu gọi Chính phủ tiếp tục duy trì mức giá thu mua 15.000 baht/tấn thóc, ít nhất cho đến cuối niên vụ 2012-2013. Đây có thể là lý do khiến Chính phủ Thái Lan quyết định nâng giá thu mua lúa gạo trở lại mức giá trước đó./.
Theo Linh Đào
TTXVN
0 comments:
Post a Comment