Giá gạo Việt Nam thấp hơn nhiều gạo Thái Lan nên Thái Lan giữ nguyên hay giảm giá gạo tạm trữ sẽ không tác động nhiều đến tình hình xuất khẩu.
Mới đây, ông Boonsong Teriyapirom, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan bị cách chức bởi ông là người khởi xướng chương trình thu mua tạm trữ gạo giá cao (ở mức 15.000 baht/tấn đối với gạo thường), khiến giá gạo Thái Lan xuất khẩu tăng cao, làm mất vị thế xuất khẩu gạo số 1 thế giới của quốc gia này.
Động thái trên của chính phủ Thái Lan cho thấy, thời gian tới, Thái Lan chắc chắn sẽ rất kiên quyết trong việc thực hiện chủ trương giảm giá thu mua tạm trữ gạo xuống 20% so với giá hiện hành (còn 12.000 baht/tấn), nhằm kéo giá xuất khẩu gạo Thái Lan giảm xuống, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới. Điều đó sẽ tác động như thế nào tới tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bích, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại (Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương) cho rằng: Việc Thái Lan quyết định giữ nguyên hay giảm giá thu mua tạm trữ gạo đều không tác động nhiều tới tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ông Bích phân tích, hiện tại, giá gạo xuất khẩu trong nước vẫn thấp hơn Thái Lan rất nhiều. Bởi thế, kể cả Thái Lan có giảm giá xuất khẩu cũng không thể thấp ngang bằng giá Việt Nam xuất đi. Vì thế, quyết định từ phía Thái Lan về cơ bản cũng không gây ra nhiều xáo trộn đối với hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo ông Bích, bản chất của câu chuyện nằm ở chỗ, suốt một thời gian dài, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã luôn nằm ở mức thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan... Điều này khiến gạo xuất khẩu Việt Nam tự đánh mất vị thế và sức cạnh tranh của mình.
Theo ông Bích, giải pháp hiện nay cùng với việc đảm bảo chất lượng, phía các doanh nghiệp cần từng bước chủ động nâng giá xuất khẩu lên và kiên quyết giữ vững giá nâng đó, dần dần tạo dựng uy tín và vị thế gạo xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường.
Nguồn Báo hải quan
0 comments:
Post a Comment