Monday, July 8, 2013

BÁO CÁO NGÀNH HÀNG CAO SU QUÝ II- 2013

0 comments

I. Tình hình thế giới

Theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su thế giới (IRSG), sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2012 đạt 11,4 triệu tấn. Ủy ban Cao su Ấn Độ dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2013 có thể đạt 12,17 triệu tấn. Tại Thái Lan - quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới, sản lượng dự kiến đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2012. Hiệp hội các Quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ARNPC) dự báo sản lượng cao su của Indonesia, nhà sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng 5% lên 3,18 triệu tấn trong năm 2013. Sản lượng của Malaysia được dự báo tăng 6,2% lên 980 nghìn tấn.

Nguồn cung cao su đang ở trong tình trạng lớn hơn so với nhu cầu tiêu thụ đã đẩy giá cao su thế giới giảm liên tục trong những tháng vừa qua. So với tuần đầu năm 2013, giá cao su SMR20 Malaysia trung bình tuần kết thúc vào ngày 22/6 đã giảm tới 24,3%, giá cao su STR20 Thái Lan cũng có mức giảm tương tự (giảm 24,1%) trong khi mức giảm của giá cao su RSS3 Thái Lan và cao su Latex 60% Malaysia thấp hơn (giảm từ 13,6-15,9%).

Biến động giá cao su thiên nhiên thế giới từ đầu năm 2013 đến nay

Đơn vị: USD/100kg

Báo cáo ngành hàng cao su Quý 2/2013

Nguồn: ANRPC

Giá cao su thế giới giảm do dự báo nguồn cung từ khu vực Đông Nam Á sẽ tăng sau khi 3 nhà sản xuất hàng đầu là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm khoảng 70% nguồn cung cao su thế giới) không đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm hỗ trợ giá cao su. Trong khi đó, kế hoạch mua tạm trữ cao su của Thái Lan cũng không đủ sức để vực giá lên.

Một nguyên nhân khác làm giảm giá cao su thế giới là do tồn kho cao su tại Trung Quốc đang ở mức cao trong khi nhu cầu thấp từ cả Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản do nền kinh tế tăng trưởng chậm. Tính đến tháng 4/2013, tồn kho cao su thiên nhiên tại 2 tổng kho lớn của Trung Quốc là Thượng Hải và Thanh Đảo đã lên mức cao nhất trong 3 năm qua, đạt mức 480 nghìn tấn, chiếm hơn 16% nhu cầu nhập khẩu cả năm 2013. Theo các chuyên gia đầu ngành, năm 2013 giá cao su sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nếu các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản chưa hồi phục.

II. Tình hình trong nước

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), sản lượng cao su Việt Nam năm 2012 đạt 863,6 nghìn tấn, tăng 9,4% so với năm 2011. GSO ước tính sản lượng cao su 6 tháng đầu năm 2013 đạt 309,1 triệu tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 304,1 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 788,5 triệu USD, giảm 11,3% về lượng và giảm tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm trước do giá cao su xuất khẩu trung bình đã giảm 14,4%.

Xuất khẩu cao su Việt Nam 5 tháng đầu năm 2012-2013

Báo cáo ngành hàng cao su Quý 2/2013

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nhập khẩu cao su của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 46% thị phần) trong 5 tháng đầu năm 2013 đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012: giảm 21,6% về lượng, đạt 147,8 nghìn tấn và giảm tới 30,7% về giá trị, đạt 362,5 triệu USD). Thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam là Malaysia, mặc dù khối lượng nhập khẩu đạt 55,8 nghìn tấn, tăng 10,6% nhưng do giá xuất khẩu giảm làm cho kim ngạch nhập khẩu của thị trường này vẫn giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 148,9 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu lớn khác như Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, mặc dù khối lượng nhập khẩu tăng nhưng giá trị nhập khẩu vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước do giá xuất khẩu giảm mạnh.

Các thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2013

Đơn vị: Lượng = Nghìn tấn; Giá trị = Triệu USD

TT

Tên nước

5 tháng 2013

% 2013/2012

Thị phần 2013

(%)

Khối lượng

Giá trị

Khối lượng

Giá trị

Tổng cộng

304,1

788,5

- 11,3%

+ 24%

100,0

1

Trung Quốc

147,8

362,5

- 21,6%

-30,7%

46,0

2

Malaysia

55,8

148,9

+ 10,6%

-11,5%

18,9

3

Ấn Độ

14,3

40,5

+ 7,9%

-12,8%

5,1

4

Đài Loan

10,9

32,4

- 25,9%

-36,9%

4,1

5

Hàn Quốc

12,2

31,4

- 21,1%

-36,2%

4,0

6

Đức

10,9

31,3

+ 19,3%

-1,3%

4,0

7

Hoa Kỳ

9,2

23,0

+ 19,7%

-3,2%

2,9

8

Thổ Nhĩ Kỳ

5,5

14,3

- 3,1%

-24,9%

1,8

9

Nhật Bản

3,3

10,0

- 8,7%

-23,5%

1,3

10

Tây Ban Nha

3,5

10,0

+ 4,6%

-14,6%

1,3

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT

Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm liên tục từ tháng 2 đến nay. Trung bình tháng 6/2013, giá cao su SVR 3L xuất khẩu đạt 2.444 USD/tấn, giảm 20,6% so với giá trung bình tháng 1. Giá xuất khẩu của chủng loại SVR 10 và SVRCV 60 có mức giảm tương đương nhau (giảm 18,8-19,8%), tương ứng đạt 2.324 USD/tấn và 2.624 USD/tấn. Giá cao su Latex giảm nhẹ hơn với mức giảm 14,8%, đạt 1.684 USD/tấn.

Nguyên nhân khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2013 là do nhu cầu nhập khẩu của thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc giảm cùng với ảnh hưởng của giá cao su xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Biến động giá cao su xuất khẩu trung bình tháng của một số chủng loại

từ năm 2012 đến tháng 6/2013

Đơn vị tính: USD/tấn

Báo cáo ngành hàng cao su Quý 2/2013

Nguồn: VRA

III. Nhận định dự báo

Dựa trên chuỗi số liệu khối lượng xuất khẩu cao su Việt Nam từ năm 2001-2012, áp dụng mô hình san mũ cộng và mô hình san mũ nhân, dự báo khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 918,1 – 943,8 nghìn tấn, giảm từ 7,7-10,3% và giá trị xuất khẩu ngành hàng này trong năm nay ước đạt mức gần 2,5 tỷ USD, giảm 16,3% so với năm ngoái. Sự sụt giảm chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm tại các nước trong thời gian gần đây.

Nguyễn Thị Thu Trang

Trung tâm Tin học và Thống kê - Bộ Nông nghiệp và PTNT

0 comments:

Post a Comment