Tuesday, July 2, 2013

Kiến nghị dẹp tình trạng cá tầm nhập lậu

0 comments

(TBKTSG Online) - Trước diễn biến cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ngày càng phổ biến, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, đại diện các công ty sản xuất và phân phối cá tầm trên cả nước đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự hỗ trợ của nhà nước dẹp tình trạng cá tầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Theo bản kiến nghị, thời gian gần đây, hàng ngày có từ 2 đến 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TPHCM qua sân bay Tân Sơn Nhất và bán ra thị trường với giá rất thấp, chỉ khoảng từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá cá tầm được sản xuất trong nước và đang được bán ra tại thị trường TPHCM.

clip_image001

Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho hay, các nhà sản xuất cá tầm tại miền Bắc hiện nay chỉ có quy mô nhỏ, sản lượng thấp còn chưa đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc nên không cần vận chuyển đi các vùng miền khác. Hơn nữa, giá cá tầm sản suất tại miền Bắc đã có giá bản sỉ tại hồ khoảng 150.000-160.000 đồng/kg nên không thể vận chuyển bằng đường hàng không vào TPHCM lại bán giá thấp dưới giá bán sỉ tại miền Bắc.

Ngoài ra, các nhà sản xuất khối lượng lớn cá tầm trong nước hiện nay đều tập trung tại các hồ ở Tây Nguyên cũng khẳng định rằng vận chuyển cả tầm về TPHCM hoàn toàn bằng đưòng bộ vì giá thành rẻ hơn vận chuyển bằng đường hàng không.

Chính vì vậy, ông Hào nói: “Số lượng cá tầm đang hàng ngày được nhập vào TPHCM không phải là cá tầm được sản xuất trong nước mà là cá tầm có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc”.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES (Công ước Buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam, cho biết CITES Việt Nam chỉ mới cấp phép cho 1 doanh nghiệp nhập khẩu trứng và cá tầm giống. Với cá tầm thương phẩm, CITES Việt Nam chưa hề cấp giấy phép nhập khẩu nào.

"Tất cả cá tầm thương phẩm nhập khẩu đang tiêu thụ tại Việt Nam đều là hàng lậu", ông Tùng nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức (chuyên sản xuất, kinh doanh cá tầm thương phẩm tại huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc) cho hay, 2-3 tấn nhập lậu qua đường hàng không vào TPHCM chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hàng ngày, vẫn có khoảng 4 đến 5 tấn cá tầm nhập lậu được tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc, có thời điểm con số này còn lên tới trên 10 tấn.

Chính vì lượng cá tầm nhập lậu với hình thức ngày càng tinh vi, bằng cách cấu kết với các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh lành mạnh được trong ngành cá tầm đã khiến cho doanh thu từ cá tầm của công ty ông những năm gần đây giảm hơn 60% so với nhưng năm trước.

“Đây không chỉ là tình trạng riêng của Việt Đức mà với nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cá tầm khác”, ông Cử bức xúc.

Các sản phẩm cá tầm giá rẻ này không những ảnh hưởng đến mạng lưới phân phối cá tầm được sản xuất trong nước, đe dọa đến sự tồn tại của các nhà sản xuất và nguy cơ hàng nghìn bà con nông dân bị mất việc làm mà còn khiến người tiêu dùng thì hoang mang vì không dễ phân biệt được đâu là cá tầm Việt Nam và đâu là cá tầm nhập lậu.

Tuy nhiên, trước đó, tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm ngành thủy sản diễn ra cuối tháng 6, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến thời điểm này, Tổng cục Thủy sản chưa có bằng chứng cho thấy có hiện tượng nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc.

0 comments:

Post a Comment