Chỉ sau hai tuần, giá cà phê nội địa tăng được 4000 đồng/kg, lên 41.700 đồng vào ngày thứ Sáu 19-7. Tin đồn rét đậm rét hại phá hoại cây cà phê tại Brazil đẩy giá kỳ hạn tăng “nóng”. Song, giá niêm yết của sàn arabica giảm mạnh vào ngày cuối tuần, làm lộ phần nào chuyện thực hư của tin đồn sương giá.
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta trong tuần (tác giả tổng hợp) |
Giá nội địa tăng mạnh, lực bán yếu
Thị trường cà phê nội địa tiếp tục rong ruổi: trong tuần, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên có khi lên mức cao 41.700 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với tuần trước. Nếu cộng gộp hai tuần nay, đến sáng thứ Bảy 20-7-2013, giá đã tăng thêm chừng 4.000 đồng/kg.
Giá niêm yết sàn kỳ hạn tăng nhanh, kéo giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ dựa trên giá chênh lệch giữa sàn robusta Liffe NYSE và cảng đi TP Hồ Chí Minh giảm từ mức cộng 100 đô la/tấn về mức 60 đô la/tấn cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 9-2013, mất 40 đô la/tấn so với tuần trước.
Qua đợt giá tăng này, đáng ra người còn giữ hàng và các nhà xuất khẩu tranh thủ bán ra mạnh để khép lại vụ mùa 2012-13 một cách vui vẻ. Nhưng, thực tế không cho phép như vậy.
Lượng hàng còn nằm lại trên thị trường nội địa càng được “ém kín” khi nghe tin giá tăng. Tâm lý “giá cao phải cao nữa”, như từ 37.000 đồng nhiều người đợi lên 40.000 đồng/kg, đạt 40.000 đồng rồi lại chờ giá lên 43.000 đồng… Nên thường có những đợt “lỡ đò”: nhiều người ôm hàng ngồi tiếc trượt bán giá cao sau khi giá kỳ hạn hết lên cao phải “trào”. Nhưng, cũng phải nói rằng, nhờ giữ “rịt” hàng, giá càng cứng. Cũng cần nhắc nhỏ rằng, bên cạnh một thị trường hàng cà phê thực (physical) bao giờ cũng có một lực lượng kinh doanh hàng giấy (paper market) có thể kiếm lời cả hai hướng lên và xuống.
Bản chất mua bán hàng giấy là đầu cơ. Một khi lực lượng này cảm thấy giá kỳ hạn đến mức nào “đủ ăn” đối với họ rồi, là cứ thế họ bán thanh lý các hợp đồng hàng giấy đã mua khi giá thấp, cộng với bán khống mới để đẩy giá xuống thu lời và mua giá rẻ chờ cơ hội mới.
Nếu như người kinh doanh hàng thực luôn mong giá tăng càng cao càng tốt, thì giới đầu cơ hàng giấy có thể kinh doanh theo kiểu đánh giá xuống ăn theo xuống, lên ăn theo lên.
Thời gian gần đây, nhiều nhà xuất khẩu cà phê than “hết vốn” làm ăn. Sau khi một số địa phương phát hiện thực sự có hiện tượng mua bán trốn thuế do các công ty “nhỏ” nhưng đã tung tiền khủng ngàn tỉ mua cà phê nhanh giá cao, bán nhanh giá thấp và nhận tiền hoàn thuế “cực nhanh” để hưởng chênh lệch bất chính, gây thất thu lớn cho Nhà nước, tiền hoàn thuế trị giá gia tăng của các công ty này đang bị giữ lại để được tìm hiểu thêm liệu họ có quan hệ với các công ty trốn thuế. Song, các công ty “làm bậy” nay đã cao chạy xa bay, chỉ khổ cho các công ty lớn, làm ăn chân chính, hàng chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng hoàn thuế đang bị neo lại, không có vốn để mua vào khi giá còn thấp và bán ra trong đợt giá tăng cao. Các công ty xuất khẩu nghiêm túc bị “cột tay”, không bán ra được trong thời điểm quý báu vừa qua. Lại một đợt “lỡ đò”!
Sức bán ra càng ít ỏi khi nhiều đại lý cà phê tại các tỉnh yếu hẳn sau đợt giá kỳ hạn xuống sâu, gần chạm mức 1.700 đô la/tấn. Nhiều người thua lỗ nặng nề trong đợt bán tống bán tháo do sợ giá xuống sâu hơn.
“Trời”cứu giá cà phê. Còn cứu?
Tin đồn sẽ có một đợt không khí lạnh tràn vào các vùng trồng cà phê Brazil vào đầu tuần tới đã giúp giá kỳ hạn hai sàn cà phê giật lên mạnh. Giá sàn robusta cơ sở tháng 9-2013 hôm thứ Năm 18-7 có lúc tăng gần chạm mức 2.000 đô la/tấn.
Brazil đang mùa đông. Cả chục năm nay, hiện tượng rét đậm rét hại làm chết cây cà phê và hụt sản lượng cho năm sau hầu như không còn do Brazil đã chuyển cây cà phê xuống các vùng thấp ấm hơn. Thực ra, giá arabica đã xuống quá sâu, mấy ngày nay, tin đồn vì thế càng được thổi mạnh và trở thành cái cớ “cứu” giá arabica.
Trên thị trường, người ta thường gọi “rét hại” ấy là sương giá hay sương muối do khi gặp rét, lá bị phỏng lạnh, cây chết từng vùng trắng xóa như “muối”. Những đợt rét đậm rét hại gây tổn thất nặng nề xảy ra gần nhất là vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1994 và một đợt khác vào cuối năm 1999. Ngày 17-7-2000, cũng đã từng xảy ra sương giá tại Brazil nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể.
Lần này, thực ra, theo hãng tin thời tiết Somar (Brazil), trời Brazil có lạnh nhưng ngay tại vùng Minas Gerais, vùng nhiều cà phê nhất, đợt rét này dự kiến không xuống tới 1 độ C mà từ 3-8 độ C nên có thể thoát khỏi sương giá.
Trên thị trường tài chính, tin đồn thường đi trước và giới đầu cơ thích phản ứng quá đà. Chính nhờ vậy, giá hai thị trường tăng cực cao. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng cửa hôm qua, giá kỳ hạn arabica Ice New York giảm mạnh, làm lộ diện chuyện thực hư của tin đồn sương giá. Chốt phiên cuối tuần thứ Sáu 19-7-2013 cơ sở giao dịch tháng 9-2013, giá niêm yết sàn arabica âm 4,85 cts/lb, tức chừng 107 đô la, để cả tuần chỉ còn tăng được 3,30 cts/lb, tương đương với 73 đô la/tấn.
Giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London phiên cuối tuần cũng khựng lại, cả ngày âm 2 đô la nhưng cả tuần tăng 93 đô la/tấn, chốt mức 1.968 đô la/tấn cơ sở tháng 9-2013 (xin xem biểu đồ trên).
Nếu tin rằng giá kỳ hạn nói được hết mọi chuyện của thị trường, thì giá niêm yết hai sàn kỳ hạn cà phê ngay ngày cuối tuần đã báo trước thời “mua tin đồn” (buy rumors) nay đã qua, và đang đến lúc “bán thực tế”(sell facts).
Thực vậy, giá kỳ hạn New York xuống sâu như muốn báo rằng tin đồn sương giá chỉ là tin đồn không hơn không kém.
Liệu thị trường sắp tới phải quay về với thực tế: đầu cơ trên chợ hàng giấy (paper market) tuôn ra bán thanh lý và bán khống, các nước sản xuất đua nhau bán hàng thực để tranh thủ giá cao? Nếu như thế, giá cà phê sắp tới khó thoát cảnh lội xuống sâu để chờ một vòng trò chơi khác.
0 comments:
Post a Comment