Monday, July 8, 2013

Làm gì để vực giá cho nông sản?

0 comments

Theo các chuyên gia, ngoài việc đầu tư vào quy trình kỹ thuật, nhà xưởng, công nghệ để tăng cường khâu xử lý, tạm trữ đối với nông sản, Nhà nước nên khuyến khích người nông dân tham gia tích cực hơn vào khâu chăm sóc, bảo quản, nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Giảm cả về sản lượng và giá

Theo báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), ngành nông - lâm - ngư nghiệp những năm gần đây đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhờ nguồn cung dồi dào. Song, nhu cầu và giá nông sản thị trường thế giới lại có xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành.

Làm gì để vực giá cho nông sản?

Cụ thể, tính đến đầu tháng 6/2013, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính (gạo, cà phê, cao su, chè, sắn) đều giảm cả về giá và khối lượng, với con số tương ứng như sắn giảm 19,4% và 15%; cao su giảm 5% và 20%; gạo giảm 7% về giá và 10% về khối lượng... Trong đó, đáng lưu ý nhất là mặt hàng cà phê có mức giảm nhiều nhất, khoảng 24,2% về lượng và 22,4% về giá.

Theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), nếu tính theo niên vụ cà phê từ đầu vụ 2012 - 2013 đến nay, Việt Nam đã xuất 1,18 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ niên vụ trước. Hiện nay, mặc dù Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, nhưng giá cà phê robusta của Việt Nam đang ở mức 37.000 – 38.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức cao 46.000 đồng/kg của cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Nam Hải - Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, sở dĩ cà phê Việt Nam niên vụ này giảm sút về sản lượng là do thời tiết nắng nóng kéo dài, khu vực Tây Nguyên bị thiếu nước nghiêm trọng nên ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cà phê nguyên liệu xuất khẩu.

Còn về giá, không riêng gì cà phê Việt Nam, mà đối với nhiều nước xuất khẩu cà phê đều phụ thuộc vào cung cầu cũng như sự lên xuống của thị trường tài chính thế giới. Chính vì vậy việc neo giá, hay làm giá cho cà phê Việt Nam không dễ gì thực hiện được.

Đối với thị trường ngoài nước đã vậy, trong nước tình hình tiêu thụ cũng gặp khó khăn, sức mua giảm dẫn đến lượng tiêu thụ chậm, giá bán thấp đang là những trở ngại cho sản xuất kinh doanh, cũng như tác động trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Đơn cử, đối với mặt hàng lúa gạo, dù đã có sự tham gia điều tiết từ Chính phủ với chương trình thu mua tạm trữ, nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện đáng kể.

Hiện nay, mặc dù các tỉnh thành ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa Hè Thu, nhưng giá lúa lại đang thấp hơn giá thành khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg, song lượng tiêu thụ vẫn thấp. Giá lúa có nơi chỉ được thương lái mua ở mức dưới 3.000đồng/kg, thấp hơn 1.500 đồng/kg so với giá thành. Riêng tại Hậu Giang, toàn tỉnh đã thu hoạch được 26.000/76.000 ha, với sản lượng khoảng 148.000 tấn.

Đại diện Sở Công thương Hậu Giang cho biết, vụ lúa Hè Thu năm 2013 chỉ tiêu mua tạm trữ mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên trên địa bàn tỉnh là 15.000 tấn. Con số này quá nhỏ, so với lượng lúa hàng hóa đang tồn đọng hiện lên gần 350.000 tấn (tính cả tồn kho vụ Đông Xuân khoảng 200.000 tấn), điều này tạo áp lực không nhỏ lên giá bán và nguồn cung trên thị trường.

Vực giá có phải chuyện đơn giản?

Mặc dù, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp giúp ngành phát triển bền vững như đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, chủ động, kịp thời giải quyết những rào cản kỹ thuật và thường xuyên theo dõi, xử lý các lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo tại một số thị trường như: Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc… Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cũng như hỗ trợ bà con nông dân về vốn, phương pháp chăm sóc, quy trình kỹ thuật giúp nâng cao sản lượng và chất lượng…

Tuy nhiên đến nay, cả hai yếu tố về sản lượng và giá cả dường như vẫn còn nằm ngoài tầm kiểm soát. Đối với một số mặt hàng nông sản chính như cà phê, gạo, cao su cần có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn, đặc biệt là trong khâu dự báo nhu cầu thị trường thế giới cũng như những bài học ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Đặc biệt, theo đánh giá của một số chuyên gia, ngoài việc chú trọng đầu tư vào quy trình kỹ thuật, nhà xưởng kho bãi, dây chuyền công nghệ để tăng cường khâu xử lý, tạm trữ đối với sản phẩm hàng hóa nông sản, Nhà nước nên khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của người nông dân trong khâu chăm sóc, bảo quản, nâng cao chất lượng và giá thành cho sản phẩm.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, khi cả chất lượng và sản lượng nông sản của Việt Nam đạt đến một trình độ nhất định, đủ đến độ chi phối thị trường thì việc vực giá, neo giá, thậm chí định hướng giá trên thị trường cũng không phải nằm ngoài tầm tay.

Còn vấn đề trước mắt, ông Đới Xuân Quảng - trưởng đại diện Cục chế biến Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để vực dậy sản lượng và giá cả cho một số mặt hàng nông sản Việt, không chỉ riêng ngành nông nghiệp đủ sức cải thiện được tình hình mà cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực từ Chính phủ để ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản có thể phát triển bền vững.

Theo Thời báo Ngân hàng

0 comments:

Post a Comment