Từ đầu năm, ngành điều bỏ ra gần 230 triệu USD để nhập điều thô nhưng nhiều đối tác nước ngoài đã đẩy hàng tồn kho, ẩm mốc vào VN, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN và uy tín của ngành điều.
Tiền trả rồi, nhận điều hỏng!
Ông Lương A – Giám đốc Cty TNHH Duy Tân chuyên chế biến XK điều tại Phú Yên cho biết, những năm trước đây, điều nguyên liệu NK từ các nước, đặc biệt là Châu Phi có chất lượng tốt, đồng đều. Nhưng gần đây, mọi chuyên trở nên vô cùng phức tạp, bát nháo khi hàng loạt lô hàng điều nguyên liệu chất lượng rất xấu bị đẩy về VN, gây thiệt hại lớn cho DN và ảnh hưởng đến uy tín toàn ngành.
“Điều nguyên liệu về đến VN, các DN không biết chất lượng ra sao nhưng đã phải thanh toán trước từ 95 – 98% số tiền rồi. Vì thế, họ có xếp hàng gì lên cho mình thì cũng phải trả tiền” – ông Lương A nói. Vị này còn khẳng định, nhiều đối tác bán điều thô cho VN còn dùng tiểu xảo rất tinh vi để đánh lừa, bằng cách “bắt tay” với các hãng tàu lập ra giấy tờ, hóa đơn để buộc DN thanh toán, nhưng thực chất hàng lại chưa về đến VN.
Một trong những đơn vị “dính chưởng” kiểu làm ăn lừa đảo này là Công ty Ladofoods (Lâm Đồng). Đại diện công ty này cho biết, vừa nhận được lô hàng điều thô do nhà cung cấp Olam (Ấn Độ) bán, khi mở container ra thấy có… sâu mọt! Điều đáng nói, do đã thanh toán tiền nên rất khó trả lại hàng, Ladofoods đành mời đại diện Olam đến làm việc nhưng việc bàn thảo dây dưa, kéo dài cả tháng mà chưa giải quyết được.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tư – Giám đốc công ty TNHH Hoàng Thành (Long An) chuyên NK, chế biến điều XK ca thán: “Không phải năm nay mà ngay từ năm 2011, công ty đã bị đối tác là Công ty Hexagon có trụ sở tại Singgapore bán cho lô điều thô 200 tấn bị ướt và hư hỏng (hàng có nguồn gốc từ Châu Phi). Vụ việc này đã gây thiệt hại nặng cho Hoàng Thành vì suốt hai năm qua công ty không thể đòi lại được số tiền đã thanh toán cho lô hàng này”.
Tiếp tục mới đây, Công ty Hexagon lại lừa ngoạn mục một DN khác ở miền Trung, “khi DN này mang lô điều nguyên liệu xuất xứ từ Nigieria chất lượng rất xấu về kho của Hoàng Thành gửi để tìm cách khiếu nại, chúng tôi mới biết chính Công ty Hexagon tiếp tục là thủ phạm!” – bà Tư bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas) cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước NK 220.000 tấn điều thô với kim ngạch NK 226 triệu USD, tăng 88,9% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt gần đây, Vinacas đã nhận được thông tin của khoảng 20 DN NK nguyên liệu điều thô, phản ánh chất lượng hàng năm nay rất xấu, gây thiệt hại lớn cho họ và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành điều VN”.
Phải đoàn kết tẩy chay!
Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas khẳng định, trong bối cảnh này, các DN không đoàn kết thì không thể giải quyết được dứt điểm tình trạng điều xấu, kém chất lượng “chạy” về VN. “Nếu chúng ta hợp tác, chỉ cần 1 DN trong nhóm bị đối tác lừa bán cho hàng kém chất lượng, thì tất cả đồng lòng tẩy chay không hợp tác mua bán với họ nữa. Trong khi ngành điều VN hàng năm NK một lượng điều thô cực lớn (khoảng 400.000 tấn, trị giá trên 400 triệu USD) mà để xảy ra tình trạng này thì không ổn chút nào. Các DN VN phải có ý thức đoàn kết lại, buộc họ phải thay đổi để làm ăn đàng hoàng!” – ông Thanh nói.
Để tập hợp các DN, ngày 12/7 vừa qua, Vinacas đã thông báo cho ra đời “Hội đồng tư vấn NK điều thô”. Theo ông Nguyễn Văn Chiểu – Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas, nhu cầu NK điều thô của VN ngày càng lớn, trên 50% sản lượng điều chế biến hàng năm phải NK từ Châu Phi và một số nước trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều DN vừa và nhỏ không có kinh nghiệm trong NK điều thô nên rất dễ bị lừa, các DN này cũng không hợp tác với nhau mà thường tự đứng ra ký kết, mua bán nên thường gặp rủi ro về chất lượng, giá cả khi gặp phải đối tác thiếu uy tín. Chính vì thế, Hội đồng tư vấn NK điều thô ra đời sẽ giúp các DN tập hợp lại, đoàn kết trong một tổ chức để dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, chung sức buộc đối tác phải thay đổi thái độ và cách thức làm ăn cho đúng luật.
Vinacas cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước XK khoảng 115.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch 716 triệu USD (tăng 30,3% về lượng và tăng 18,8% về trị giá so với 2012). Tuy nhiên, giá XK bình quân giảm 9,46% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 6.181 USD/tấn). Sản xuất chế biến điều thời gian qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đầu vụ nhiều DN phàn nàn về việc khó tiếp cận được vốn vay, khi đến làm việc bị ngân hàng từ chối với nhiều lý do. Nhiều DN nợ cũ chưa trả xong, tài sản, kho hàng đều do ngân hàng nắm giữ.
Tuy nhiên, tới thời điểm gần hết vụ do có chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng ý cho gia hạn nợ vay của các DN tới kỳ hạn phải trả lên 6 tháng đến 1 năm. Song, việc vay mới của các DN này gặp nhiều khó khăn, hạn mức tín dụng bị thu hẹp do DN bị đánh tụt hạng tín nhiệm. Vì thế, Vinacas đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DN ngành điều để tạo điều kiện tái cơ cấu các khoản vay cũ, trong việc tiếp cận vốn.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Thanh cũng khuyến các các DN từ nay đến cuối năm cần chủ động thu mua NK nguyên liệu theo diễn biến thị trường trên cơ sở tiềm lực tài chính của mỗi DN. Vinacas không khuyến khích NK số lượng lớn, không khuyến khích chạy theo số lượng mà cần đầu tư nâng cao chất lượng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm.
Về XK các DN phải quan tâm giao hàng cho khách đúng hẹn và đặc biệt chú ý đến quản lý chất lượng sản phẩm, VSATTP của những lô hàng XK. Tăng cường tham gia các chương trình XTTM để tìm kiếm bạn hàng mới, đồng thời đoàn kết chia sẻ thông tin, thống nhất giá bán để duy trì sự ổn định cho thị trường.
Ông Tạ Quang Huyên – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) chia sẻ kinh nghiệm để chặn đứng sự lừa lọc của các đối tác khi bán điều thô sang VN: Ông Huyên đã đích thân sang tận Châu Phi để kiểm tra lô hàng điều nguyên liệu NK ngay từ cảng đi, khi nào đảm bảo số lượng và chất lượng đúng yêu cầu mới cho làm thủ tục xuất qua VN và tiến hành chuyển tiền. Việc làm này dù hơi mất thời gian nhưng đảm bảo DN nhập được hàng đúng chất lượng, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. “Chúng ta phải dấn thân sang Châu Phi để mấy tay trung gian XK điều từ Singapore, Ấn Độ không “gài bẫy” mình được nữa” – ông Huyên nói.
Theo Đức Cường
Nông nghiệp Việt Nam
0 comments:
Post a Comment