Bất chấp chương trình thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, giá lúa gạo tuần qua tại ĐBSCL vẫn giảm 50-100 đồng/kg tùy loại.
Tính đến 13/6, hầu hết các hộ ở ĐBSCL đã bước vào vụ thu hoạch rộ lúa Hè Thu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), với giá lúa thấp, đầu ra xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo may chăng chỉ cứu nông dân ở mức có lãi, chứ khó đạt lãi 30% trở lên như mục tiêu đề ra.
Kế hoạch tạm trữ dường như chưa phát huy tác dụng đối với giá lúa gạo tại ĐBSCL. Điều này thể hiện qua việc giá lúa gạo tại khu vực này tuần qua vẫn tiếp tục đi xuống.
Theo số liệu của VFA, giá lúa gạo tại ĐBSCL tuần qua giảm 50-100 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 4.850 - 4.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.050 - 5.150 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.400 - 6.500 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100 - 6.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.400 - 7.500 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.100 - 7.200 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.850 - 6.950 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần cố gắng vượt qua 6 tháng khó khăn đầu năm, vì sang tháng 7 thị trường lúa gạo có thể sẽ bắt đầu khả quan hơn.
Theo website Chính phủ, mặc dù thị trường khó khăn, một số đơn hàng đã ký bị huỷ nhưng Việt Nam vẫn ký được hợp đồng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước 13%. Trong tháng 6, dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 750.000 tấn, như vậy sẽ nâng sản lượng xuất khẩu 6 tháng đạt 3,5 triệu tấn, so với cùng kỳ vẫn cao hơn 100.000 tấn.
Tại Thái Lan, nông dân nước này cũng đang lo ngại khả năng chính phủ có thể cắt giảm giá thu mua lúa gạo trong chương trình tạm trữ. Hiện tại, chính phủ Thái Lan mua thóc tạm trữ với giá 15.000 Baht/tấn, với điều kiện là độ ẩm của thóc không vượt quá 15%.
Theo tin từ báo Bangkok Post, nếu vẫn giữ nguyên điều kiện độ ẩm như vậy mà giá thu mua thóc tạm trữ lại bị cắt giảm về mức 10.000 Baht/tấn như dự kiến, thì người nông dân Thái Lan có thể không có lãi.
Gần đây, chính phủ Thái Lan xem xét hạ giá thu mua lúa gạo tạm trữ từ nông dân nhằm giảm mức thua lỗ do chương trình này gây ra. Đồng thời, đây cũng được xem như một cách để Thái Lan thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh xuất khẩu gạo của nước này sụt giảm mạnh vì giá quá cao.
Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1-13/6, xuất khẩu gạo cả nước đạt mức 180.853 tấn, trị giá FOB 73,521 triệu USD, trị giá CIF 81,729 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo hiện đã đạt 2,969 triệu tấn, trị giá FOB 1,285 tỷ USD, trị giá CIF 1,35 tỷ USD.
Như vậy, xuất khẩu gạo hoàn toàn có khả năng cán ngưỡng 3 triệu tấn trong tháng 6 này. Mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm 2013 mà VFA đề ra là 7,5 tấn.
Thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu đang trong giai đoạn ế ẩm do nguồn cung dồi dào mà lại vắng bóng khách mua. Để hỗ trợ cho giá lúa gạo trong bối cảnh này, Chính phủ đã quyết định tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu 2013 ở ĐBSCL. Đợt mua lúa gạo tạm trữ này đã bắt đầu triển khai vào ngày 15/6 và dự kiến kéo dài đến hết 31/7/2013. VFA đã giao chỉ tiêu cho 115 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia mua tạm trữ lúa gạo.
0 comments:
Post a Comment