Sunday, June 23, 2013

Báo cáo tháng 6/2013: Mặt hàng Cao su

0 comments

I. Trong nước:

clip_image002

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp và PTNT, do nguồn cung vụ thu hoạch mới khá dồi dào nên giá cao su nguyên liệu tại vùng sản xuất vẫn đang trong xu thế giảm. Tại Bình Phước, giá mủ cao su dạng nước hiện ở mức 13.280 đồng/kg, giảm so với 13.920 đồng/kg vào tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này đã hồi phục so với chỉ có 13.120 đồng/kg vào đầu tháng 6. So với 2 tháng trước, giá mủ cao su dạng nước đã giảm tới gần 3.000 đồng/kg.

Về xuất khẩu, trong tuần từ ngày 3-7/6, giá cao su Việt Nam xuất khẩu giữ ổn định nhưng giảm nhẹ vào cuối tuần. Ngày 7/6, giá SVR 3L xuất khẩu đạt 2.485 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn (- 2%) so với cuối tuần trước 31/5. Đến tuần 10-14/6, giá cao su xuất khẩu giữ ổn định trong 4 ngày đầu tuần, sau đó giảm vào cuối tuần. Ngày 14/6, giá SVR 3L xuất khẩu đạt 2.385 USD/tấn, giảm 100 USD/tấn (4,0%) so với cuối tuần trước 7/6. Giá SVR 3L trung bình 2 tuần tháng 6/2013 chỉ đạt 2.490 USD/tấn, thấp hơn 180 USD/tấn (6,7%) so với tháng 5 vừa qua và thấp hơn 589 USD/tấn (19,1%) so với cùng kỳ năm ngoái (6/2012).

Tính từ ngày 28/5 đến 12/6, xuất khẩu cao su cả nước đạt 42.470 tấn, trị giá 98,35 triệu USD, tăng 4,49% về lượng và 0,64% về trị giá so với kỳ xuất khẩu nửa cuối tháng 5 (14-29/5). Đáng chú ý, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 47% tổng lượng cao su xuất khẩu trong thời gian này. Lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm từ 15,36% và 22,29%, đạt 1.175 tấn và 686 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu cao su sang các thị trường chủ chốt khác lại tăng khá, như Malaysia tăng 18,65% đạt 9.893 tấn; Ấn Độ tăng 17,17% đạt 3.952 tấn; Đài Loan tăng 13,98% đạt 1.209 tấn. Cao su khối SVR 3L vẫn đứng đầu về chủng loại cao su xuất khẩu trong giai đoạn này, với số lượng đạt 15.807 tấn, trị giá 40,5 triệu USD.

Về giá xuất khẩu, sau khi tăng nhẹ trong kỳ xuất khẩu trước, giai đoạn này giá xuất khẩu cao su của Việt Nam đã giảm trở lại với mức giảm 3,68%, đạt bình quân 2.315 USD/tấn. Như vậy, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm liên tục từ tháng 2/2013 trong bối cảnh thị trường cao su thế giới có nhiều biến động. Bình quân giá cao su xuất khẩu trong tháng 1/2013 là 2.722 USD/tấn, nhưng giảm còn 2.554 USD/tấn trong tháng 4 và tiếp tục giảm còn khoảng 2.367 USD/tấn trong tháng 5, đến thời điểm này của tháng 6 chỉ còn 2.315 USD/tấn. Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến giá cao su giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng chậm trong những tháng đầu năm 2013 là do: (1) kinh tế thế giới hồi phục yếu khiến nhu cầu cao su tăng chậm; (2) tồn kho cao su tăng cao ở Trung Quốc và thế giới trong đầu năm 2013; (3) Nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới Thái Lan đang xem xét ngừng các biện pháp hạn chế xuất khẩu cao su sau tháng 5 do không thể nâng giá cao su trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Nguồn cung từ Thái Lan sẽ gia tăng đáng kể khi mùa mưa đến và tạo áp lực kéo giá tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hoạt động xuất nhập khẩu cao su tại cửa khẩu Móng Cái tiếp tục trầm lắng, giá tuần 17/6 giảm 100 NDT/tấn so với tuần trước đó.

II. Thế giới:

clip_image004

Đồng Yên tăng giá mạnh so với đồng đô la Mỹ khiến tỷ giá USD/JPY trong tuần 3-7/6 có lúc giảm xuống mức 96,01 tương đương với mức 3% cao nhất trong vòng 3 năm qua. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu và chống lại tình trạng giảm phát của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong tuần này, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn trên Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm liên tục do đồng Yên bất ngờ tăng giá so với đồng đô la Mỹ và giá dầu thô giảm. Giá cao su hợp đồng giao tháng 11/2013 trong phiên giao dịch ngày 3/6 đạt 2.559,5 USD/tấn, giảm nhẹ 3,5 USD/tấn so với cuối tuần trước 31/5. Giá cao su xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tuần vào phiên ngày 6/6, chỉ đạt 2.495,7 USD/tấn. Tuy vậy, chốt phiên cuối tuần giá cao su đã tăng trở lại trước số liệu việc làm khả quan ở thị trường Hoa Kỳ. Kết thúc tuần 7/6, giá RSS3 giao tháng 11/2013 đạt 2.546,8 USD/tấn, thấp hơn 12,7 USD/tấn (-0,5%) so với ngày 03/6 và thấp hơn 16,1 USD/tấn (-0,6%) so với cuối tuần trước. Giá RSS 3 trung bình tuần đầu tháng 6 đạt 2.556,4 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, thấp hơn 172 USD/tấn (-6,3%) so với tháng 5/2013, nhưng cao hơn 116 USD/tấn (+4,8%) so với tháng 6/2012.

Sang tuần 10-14/6, giá cao su RSS3 TOCOM tăng nhẹ nhưng sau đó lại giảm sâu. Giá cao su RSS3 hợp đồng giao tháng 11/2013 trong 2 phiên giao dịch đầu tuần ngày 10-11/6 tăng nhẹ do đồng Yên giảm sau quyết định tiếp tục nới lỏng tiền tệ của BOJ. Tuy vậy, động thái này của BOJ vẫn không giải quyết được vấn đề bình ổn thị trường trái phiếu, dẫn đến đồng Yên lại quay đầu tăng giá mạnh làm cho giá cao su xuống thấp. Ngoài ra, dữ liệu xấu từ Trung Quốc – nhà tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, vừa được công bố cũng đã tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu trên thị trường. Trong khi dự trữ tại các nhà sản xuất ở mức cao cũng được xem là nguyên nhân quan trọng gây sức ép lên mặt hàng nguyên liệu sử dụng trong ngành sản xuất lốp xe. Giá cao su xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng vào phiên ngày 13/6, chỉ đạt 2.439,1 USD/tấn. Tuy vậy vào phiên cuối tuần giá cao su đã tăng trở lại trước số liệu việc làm khả quan ở thị trường Mỹ. Kết thúc tuần ngày 14/6, giá RSS3 giao tháng 11/2013 đạt 2.477,9 USD/tấn, thấp hơn 26,9 USD/tấn (1,1%) so với đầu tuần ngày 10/6 và thấp hơn 69,0 USD/tấn (2,7%) so với cuối tuần trước.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2013-2014. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,2% trong năm nay, thấp hơn dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 1 và thấp hơn mức tăng trưởng 2,3% năm 2012. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 sẽ khoảng 3%, thấp hơn dự báo 3,1% đưa ra trước đó. Dự báo này làm gia tăng lo ngại nhu cầu cao su sẽ giảm do kinh tế thế giới ảm đạm.

Nguồn cung cao su từ khu vực Đông Nam Á sẽ tăng sau khi 3 nhà sản xuất hàng đầu không đồng ý hạn chế xuất khẩu. Thái Lan, Indonesia và Malaysia, chiếm khoảng 70% nguồn cung cao su thế giới, không đạt được thống nhất trong việc đưa ra biện pháp hạn chế xuất khẩu mới sau khi thực hiện kế hoạch cắt giảm 300.000 tấn cao su xuất khẩu trong 6 tháng, kết thúc vào tháng 3/2013. Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, nước này đang lên kế hoạch thành lập quỹ bình ổn giá cao su, với dự kiến ban đầu sẽ chi 210 triệu baht (6,8 triệu USD) để mua 42.000 tấn cao su.

0 comments:

Post a Comment