Nếu cách đây 3 năm, gạo 25% của Myanmar được coi là tệ nhất thì ngày nay, khách hàng coi gạo Việt Nam có chất lượng kém nhất, kể cả gạo cao cấp 5% hay gạo cấp thấp 25% tấm.
Cách đây nhiều năm, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo người dân không nên sản xuất đại trà lúa IR50404, vì lúa này chỉ cho ra loại gạo xuất khẩu cấp thấp như gạo 25%.
Cách đây đôi năm, với biện pháp tình thế nhằm giảm thiểu tồn kho loại lúa IR50404 phẩm cấp thấp này trong dân, các công ty giám định đã du di cho phép các nhà máy xay xát đấu trộn gạo IR50404 với gạo hạt dài để làm gạo 5% cao cấp xuất khẩu.
Chính việc làm uyển chuyển này càng khiến nông dân lao vào sản xuất đại trà giống lúa IR50404, vì năng suất cao và vẫn xuất khẩu được, trong suốt hơn hai năm qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, với cách làm “uyển chuyển” đó, mẫu gạo cao cấp 5% tấm hiện nay thua xa mẫu gạo 5% cách đây 4 – 5 năm, khi mà giống lúa IR64 (độ trong nguyên cao, không bị đốm phấn ở bụng hạt gạo) lúc đó được sản xuất đại trà dành cho xuất khẩu.
Cũng trong hai năm qua, Ấn Độ quay lại thị trường, xuất khẩu một lượng gạo khá lớn đến các thị trường truyền thống trước đây của Việt Nam. Khách hàng, vì thế, có dịp so sánh chất lượng gạo giữa các nước khác nhau. Nếu cách đây ba năm, gạo 25% của Myanmar được coi là tệ nhất thì ngày nay, khách hàng coi gạo Việt Nam có chất lượng kém nhất, kể cả gạo cao cấp 5% hay gạo cấp thấp 25% tấm.
Đặc tính của gạo IR50404 của Việt Nam là hầu hết hạt gạo có đốm phấn ở bụng gạo, mặc dù tỷ lệ bạc bụng nằm trong quy cách xuất khẩu nhưng sau hai năm qua, thị trường đã bắt đầu phản ứng với chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Họ cho rằng gạo Việt Nam nấu cứng cơm hơn xưa.
Hiển thị giá gạo trên thị trường, có thể tham khảo trên trang Oryza.com và với bảng giá này, có thể thấy đánh giá của khách hàng với chất lượng gạo Việt Nam. Lấy gạo 25% tấm của Pakistan làm ví dụ: tiêu chuẩn xuất khẩu gạo 25% của nước này có chiều dài hạt gạo là 6,8mm, tấm trên cơ sở 3/4, có nghĩa là chiều dài hạt tấm 5,1mm; ngoài ra, do khí hậu khô quanh năm nên ẩm độ hạt gạo Pakistan luôn luôn thấp, bạc bụng thấp, độ trong nguyên cao do gạo được tạo ra từ giống lúa IR6 hạt dài sản xuất đại trà. Trong khi đó, gạo 25% tấm của Việt Nam có chiều dài hạt 6,2mm, tấm trên cơ sở 1/2, tương đương 3,1mm, độ trong nguyên thấp.
Về giá, thị trường chấp nhận giá gạo 25% tấm của Pakistan cao hơn giá gạo 5% của Việt Nam, vì nếu so sánh về mặt cảm quan cũng thấy mặt hàng gạo 25% của Pakistan có độ trong nguyên cao, ít có hạt gãy hơn so với gạo 5% của Việt Nam và hơn xa chất lượng gạo 25% của Việt Nam.
Vài con số so sánh để thấy tình trạng báo động về chất lượng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trở lại với cách sản xuất lúa gạo trong nước. Rõ ràng biện pháp hành chính của chính quyền các cấp nhằm khuyến cáo nông dân hạn chế trồng giống lúa IR50404, chưa thực sự thay đổi được cách làm của nông dân. Đã đến lúc Chính phủ cần có biện pháp kỹ thuật tốt hơn, quản lý chặt chẽ, mạnh hơn đối với việc canh tác loại giống lúa nào để đảm bảo được mức lãi 30% cũng như đảm bảo xây dựng lại thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam như đã từng có trước đây. Vấn đề này hiện nay đã trở nên cấp bách!
20 năm qua, Việt Nam duy trì tiêu chuẩn gạo xuất khẩu 6,2mm, trong khi giống lúa IR50404 đã có chiều dài trung bình 6,4mm và nhiều nước khác đã duy trì tiêu chuẩn gạo xuất khẩu có chiều dài hạt gạo trung bình 6,8mm. Hiện nay, các giống lúa lai như lúa OM4218 và nhiều loại giống OM khác đang sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long đều có hạt dài trung bình 6,8mm. Và thực tế là giống lúa này, tuy được xuất khẩu với số lượng chưa nhiều, nhưng chắc chắn sẽ được xuất khẩu nhiều hơn khi đưa giống lúa này thành tiêu chuẩn xuất khẩu gạo mới, thay thế cho tiêu chuẩn gạo xuất khẩu cũ từ hơn 20 năm trước.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đúng khi khuyến cáo nông dân hạn chế trồng giống lúa IR50404, vì đã không còn đáp ứng được các chỉ tiêu xuất khẩu mà thị trường yêu cầu. Các doanh nghiệp kinh doanh gạo từ chối không mua những loại lúa không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cũng có lý do của họ.
Vụ hè thu năm nay, do có những nơi thiếu nước trong thời gian gieo trồng, nên lúa IR50404 đã thu hoạch có tỷ lệ bạc bụng rất cao, có nơi bạc bụng lên tới 13 – 15% cho nguyên liệu làm gạo 25% tấm (trong khi tiêu chuẩn xuất khẩu gạo 25% tấm chỉ cho phép tối đa 8% bạc bụng).
Tình hình này cho thấy nhiều khả năng lúa hè thu sắp tới sẽ tiếp tục bị ế ẩm do thương lái hoặc doanh nghiệp từ chối thu mua. Với chuẩn lúa gạo như vậy, chỉ có thể dành cho thị trường nội địa. Đây sẽ là khó khăn lớn không chỉ với nông dân mà với cả các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đến lúc này, có lẽ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã phần nào nhận ra vì sao có lúa muốn bán mà khó kiếm được người mua. Thế nhưng thực tế đó có giúp nông dân nhìn ra tất cả vấn đề để chuyển sang sản xuất đại trà những loại lúa có phẩm cấp cao hơn, như giống OM, hay không lại là chuyện khác.
Cần phải có sự hỗ trợ – trước hết là từ cơ quan chuyên môn, nơi phát hành quy cách gạo xuất khẩu của Việt Nam – về việc lựa chọn giống lúa cũng như quy cách gạo xuất khẩu cho nông dân. Có một thực tế là đã hơn 20 năm rồi nhưng quy cách gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn không thay đổi là mấy dù thị trường đã thay đổi rất nhiều!
Chỉ khi nào Việt Nam thay đổi quy cách gạo xuất khẩu (chẳng hạn chiều dài hạt gạo phải đạt trung bình 6,8mm) cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thì mới có cơ hội xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam chất lượng cao, giá sánh ngang bằng giá gạo của các quốc gia khác. Và cũng chỉ có như vậy mới khuyến cáo được nông dân chuyển đổi giống lúa mới trong canh tác nhằm đạt hiệu quả sản xuất.
Theo Minh Quân
Sài Gòn tiếp thị
0 comments:
Post a Comment