I. Thế giới:
So với tháng 11, giá cao su thế giới diễn biến tích cực hơn trong tháng 12, với giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), Nhật Bản và giá cao su giao ngay tại Thái Lan – nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới đều tăng lên. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cao su thế giới bao gồm:
- Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, có thể tăng cường mua vào để bổ sung kho dự trữ Chính phủ để hỗ trợ nông dân và tiêu thụ hết nguồn cung khi giá cao su nội địa giảm mạnh. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, khối lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu trong tháng 11 tăng cao kỷ lục do các thương nhân đẩy mạnh mua vào để nhận đựơc các khỏan hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp và hòng kiếm lời trong lúc giá cao su trong nước đang tăng. Khối lượng cao su thiên nhiên và mủ cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đạt 270.000 tấn, tăng 42% so với tháng trước đó và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng đầu năm 2013, lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc tăng 8,2% lên 2,13 triệu tấn.
- Tỷ giá đô la Mỹ và đồng Yên Nhật tăng liên tiếp do các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng trong tháng này.
Giá cao su kỳ hạn Tocom đạt mức cao nhất trong tháng, 283 Yên/kg đối với hợp đồng giao gần nhất tháng 12/2013 vào cuối phiên giao dịch 18/12. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua do tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về khả năng nhu cầu cao su sẽ cải thiện. Giá cao su hợp đồng benchmark giao tháng 5/2014 đạt 287,9 Yên/kg (2.797 USD/tấn).
Việc mua vào cho kho dự trữ của Chính phủ Trung Quốc đã khuấy động thị trường cao su giao ngay. Từ đầu tháng 12 đến nay, Trung Quốc đã mua cao su của Thái Lan, Bridgestone Corp 5108.T đã mua một số lô cao su của Inđônêxia. Giá cao su STR20 Thái Lan giao kỳ hạn tháng 1/2014 đã được bán cho các khách hàng Trung Quốc ở mức 2,39 USD/kg bao gồm cước vận chuyển. Giá cao su RSS3 Thái Lan, thường có giá cao hơn, đạt 2,595 USD/kg giao kỳ hạn tháng 2/2014, không bao gồm cước vận chuyển, vượt so với 2,55 USD/kg và 2,56 USD/kg tuần trước đó.
Cao su SIR20 Indonesia được bán cho Bridgestone, nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, ở mức 106 Uscent/pound (tương đương 2,38 USD/kg) FOB giao tháng 1/2014 và đạt 106,25 cent/pound giao tháng 2. Giá cao su SIR20 giao kỳ hạn tháng 2/2014 được giao dịch bởi các nhà sản xuất lốp xe ở mức 105 – 105,5 cent/kg, gần với mức giá tuần trước 105,5-105,75 Uscent/kg.
Giá cao su SMR20 Malaysia thay đổi ở mức 2,43 USD-2,44 USD/kg, cao hơn so với giá chào 2,42 USD/kg tuần trước đó.
II. Việt Nam:
Giá cao su nguyên liệu tiếp tục sụt giảm so với tháng 11. Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước hiện đang ở mức 12.000 đồng/kg, giảm 480 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 11. Tuy nhiên, mức giá này đã hồi phục lại phần nào so với cách đây vài ngày là 11.520 đồng/kg. Giá cao su trong nước hiện tại giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm và xu hướng giảm vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Giá cao su trung bình đang dao động trong khoảng 50 – 51 triệu đồng/tấn, trong khi đầu năm là 62 triệu đồng/tấn. Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cao su trong nước đang gặp khó khăn do giá cao su giảm.
Trong tuần từ 09/12 - 13/12/2013, giá cao su Việt Nam xuất khẩu tăng vào ngày đầu tuần (09/12) sau đó giữ ổn định trong các ngày tiếp theo và tăng trong ngày cuối tuần. Kết thúc tuần, giá SVR 3L xuất khẩu ngày 13/12 đạt 2.355 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn (+1,3%) so với ngày đầu tuần và tăng 60 USD/tấn (+2,6%) so với ngày cuối tuần trước đó (06/12).
Theo báo cáo thống kê của CIS, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11 ước đạt 120.000 tấn với giá trị đạt 279 triệu USD. Theo đó, khối lượng cao su xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt 955.000 tấn, giá trị đạt 2,24 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, song giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá cao su xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 2.350,4 USD/tấn, giảm 0,1% so với mức giá 2.352,6 USD/tấn của năm 2012. Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm 43,4% tổng giá trị xuất khẩu, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với năm 2012, giảm 3,9% về khối lượng và giảm 19,7% về giá trị. Thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam là Malaysia chiếm 21,1% về tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm. Xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng 9,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cửa khẩu Móng Cái, xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc ổn định kể từ cuối tháng 11 đến nay. Có thể nhận thấy rõ ràng ý đồ của doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc là tháng 12 này chỉ nhập khẩu cao su từ Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc ở mức giới hạn trong khoảng từ 550 – 600 tấn/ngày để hạn chế tối đa việc tăng giá. Tính đến ngày 12/12, giá các sản phẩm cao su sơ chế mã hiệu SRV3L vẫn giữ ở mức 14.300 NDT/tấn đối với hàng công ty, đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và 14.150 NDT/tấn đối với hàng tư nhân. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, sau một khoảng thời gian ổn định về sản lượng và giá xuất khẩu sẽ bước vào giai đoạn hoặc tăng hoặc giảm giao dịch. Trong bối cảnh hiện nay, khả năng giao dịch được đẩy mạnh hơn sẽ là hiện thực, vì Tết nguyên đán Giáp Ngọ cả Việt Nam và Trung Quốc đều được nghỉ dài ngày, do đó để đảm bảo có nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất bình thường, các doanh nghiệp và thương gia phía đối tác cần nhập khẩu dự trữ.
Chế biến cao su hỗn hợp để xuất khẩu sang Trung Quốc theo chính ngạch đang được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng khu vực Quảng Đông và Quảng Tây. Khối lượng giao dịch mặt hàng này đang đạt mức 200 tấn/ngày với giá 15.200 NDT/tấn. Dự báo, bước sang tháng đầu năm 2014, giao dịch xuất khẩu cao su hỗn hợp sẽ tăng gấp 1,5 lần hiện nay.
Nguyễn Lan Anh
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
3. Tin Reuters
4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy
0 comments:
Post a Comment