Monday, April 27, 2015

Giá cao su thiên nhiên trong tuần từ ngày 20/4 đến 24/4/2015

0 comments

Trong tuần từ ngày 20/4 đến 24/4/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới đều tăng so với tuần trước. Kết thúc tuần, ngày 24/4, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản hợp đồng giao tháng 9/2015 là 1.722 USD/tấn, tăng 3,2% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 5/2015 trên sàn SICOM Singapore là 1.408 USD/tấn (+1,5%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) chào bán ở mức1.412 USD/tấn (+1,0%); giá SVR 3L của Việt Nam chào bán vẫn ở mức 1.580 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.

Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần

- Vào ngày 19/4/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 100 điểm cơ bản xuống 18,5% và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/4. Đây là lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 2 của Trung Quốc trong vòng 2 tháng nhằm tăng thanh khoản giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thông qua thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, đây là đợt cắt giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 cho thấy nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

- Ngày 21/4/2015, đồng USD giảm nhẹ so với đồng Euro nhưng tăng giá so với đồng Yên do giới đầu tư vẫn chưa chắc chắn về diễn biến kinh tế Mỹ. Theo đó, đồng USD đã tăng 0,41% so với đồng Yên lên 119,68 Yên khi giới đầu tư đánh cược rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

- Giá dầu phiên ngày 23/4/2015 lên cao nhất kể từ đầu năm 2015 do đồn đoán dư cung có thể giảm và lo ngại về tình trạng bạo lực tại Trung Đông. Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 6/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 2,12 USD, tương đương 3,4%, lên 64,85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 5/2015 trên sàn Nymex New York tăng 1,58 USD, tương đương 2,8%, lên 57,74 USD/thùng.

- Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tháng 3/2015, thặng dư thương mại Nhật Bản đạt 229,3 tỷ Yên (tương đương 1,9 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên cán cân thương mại nước này đạt tăng trưởng dương kể từ tháng 6/2012. Kết quả này có được nhờ giá dầu thế giới giảm và xuất khẩu của Nhật Bản sang một số thị trường chủ lực tăng mạnh.

- Các nhà sản xuất cao su chủ chốt châu Á, bao gồm Halcyon Agri Corp. Ltd và Sri Trang Agro-Industry PCL và các nhà sản xuất khác tại Thái Lan và Indonesia đang lên kế hoạch nâng giá bán, đồng thời tạm dừng giao hàng tại sàn SICOM, một động thái đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong ngành cao su trong bối cảnh giá liên tục lao dốc, khiến nông dân cao su rơi vào cảnh nợ nần và phá sản.

Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 20/4 - 24/4/2015

Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 9/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm trong phiên đầu tuần (20/4) do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tiếp tục suy yếu sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Trong các phiên tiếp theo, giá cao su RSS 3 đã quay đầu tăng liên tục đến cuối tuần nhờ sự hỗ trợ từ đồng Yên giảm giá so với USD và giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2015. Ngoài ra, trong tuần qua, các nhà sản xuất cao su lớn trên thế giới đã tiến hành lên kế hoạch để nâng giá bán cao su, đồng thời tạm dừng giao hàng tại sàn SICOM trong bối cảnh giá liên tục lao dốc khiến nông dân cao su rơi vào cảnh nợ nần và phá sản. Kết thúc tuần (24/4), giá cao su RSS 3 giao tháng 9/2015 (TOCOM) đạt 1.722 USD/tấn, tăng 70 USD/tấn (+4,2%) so với ngày đầu tuần (20/4) và tăng 54 USD/tấn (+3,2%) so với ngày cuối tuần trước (17/4).

clip_image001

Trong tháng 4/2015, từ ngày 01 - 24/4/2015, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.678 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, giảm 89 USD/tấn (-5,0%) so với mức giá trung bình tháng 3/2015 và giảm 407 USD/tấn (-19,5%) so với tháng 4/2014.

clip_image002

Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động tương tự như tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần ngày 24/4, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 5/2015 đạt 1.408 USD/tấn, tăng 28 USD/tấn (+2,0%) so với ngày đầu tuần và tăng 21 USD/tấn (+1,5%) so với ngày cuối tuần trước (17/4).

clip_image003

Trong tháng 4/2015, từ ngày 01 - 24/4/2015, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.394 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn (-2,4%) so với trung bình tháng 3/2015 và giảm 382 USD/tấn (-21,5%) so với tháng 4/2014.

clip_image004

Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán cũng biến động như tại hai sàn TOCOM và SICOM. Kết thúc tuần ngày 24/4, giá SMR 20 đạt 1.412 USD/tấn, tăng 31 USD/tấn (+2,2%) so với ngày đầu tuần và tăng 14 USD/tấn (+1,0%) so với ngày cuối tuần trước.

clip_image005

Trong tháng 4/2015, từ ngày 01 - 24/4/2015, giá SMR 20 trung bình do MRB chào bán đạt 1.388 USD/tấn, giảm 24 USD/tấn (-1,7%) so với trung bình tháng 3/2015 và giảm 410 USD/tấn (-22,8%) so với tháng 4/2014.

clip_image006

Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 20/4 - 24/4/2015

Trong tuần từ 20/4 - 24/4/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán tiếp tục giữ ổn định, giá SVR 3L xuất khẩu chào bán vẫn là 1.580 USD/tấn, không đổi so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó (17/4).

clip_image007

Trong tháng 4/2015, từ ngày 01 - 24/4/2015, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.580 USD/tấn, tương đương với mức trung bình trong tháng 3/2015, nhưng giảm 508 USD/tấn (-24,3%) so với tháng 4/2014.

clip_image008

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam

0 comments:

Post a Comment