Kết thúc tuần từ ngày 16/02 đến 20/02/2015, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản hợp đồng giao tháng 7/2015 là 1.872 USD/tấn, tăng 0,8% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 03/2015 trên sàn SICOM Singapore (18/02) là 1.407 USD/tấn (giảm 1,7%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do MRB chào bán (17/02) ở mức 1.420 USD/tấn (tăng 0,1%). Giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam không thay đổi, vẫn là 1.580 USD/tấn.
Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần
- Giá dầu phiên 16/02/2015 tăng khi giới đầu tư tiếp tục đặt cược giá dầu đã chạm đáy sau 7 tháng lao dốc. Tuy nhiên giới phân tích vẫn tỏ ra thận trong khi cho rằng dư cung và nhu cầu ảm đạm vẫn sẽ cản trở đà tăng của giá dầu. Giá dầu Brent giao tháng 4/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 72 cent, tương đương 1,1%, lên 62,20 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 3/2015 trên sàn Nymex New York tăng 38 cent, tương đương 0,4%, lên 53 USD/thùng.
- Theo Chính phủ Nhật Bản, trong quý cuối cùng của năm 2014, kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 2,2%. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong vòng 3 quý. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 4/2014 tăng 0,6% so với quý 3/2014. Số liệu trên cho thấy kinh tế Nhật đã thoát khỏi suy thoái trong quý cuối cùng của năm 2014.
- Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Cao su Nhật Bản, tồn kho cao su tại Nhật Bản đạt 13.226 tấn tính đến ngày 31/01/2015, tăng 1,9% so với 10 ngày trước đó.
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 16/02 - 20/02/2015
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 7/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng trong phiên đầu tuần nhờ kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi suy thoái khiGDP trong quý 4/2014 tăng 0,6% so với quý 3/2014 cùng với giá dầu thế giới tiếp tục tăng nhẹ vào đầu tuần. Trong hai phiên giữa tuần, giá cao su giảm xuống một phần do các nhà đầu tư đặt lệnh chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc. Đến phiên cuối tuần, giá cao su đã tăng trở lại sau khi chính phủ Thái Lan cho biết sẽ bắt đầu kế hoạch thu mua cao su lần thứ 2 với ngân sách 6 tỷ Baht (184 triệu USD) để hạn chế lượng cao su dư thừa. Kết thúc tuần, giá cao su đạt 1.872 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn (+0,1%) so với ngày đầu tuần (16/02) và tăng 15 USD/tấn (+0,8%) so với ngày cuối tuần trước (13/02).
Kết thúc ba tuần tháng 02/2015, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.807 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 107 USD/tấn (+6,3%) so với mức giá trung bình tháng 01/2015 nhưng giảm 392 USD/tấn (-17,8%) so với tháng 02/2014.
Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động tương tự như sàn TOCOM trong 3 phiên đầu tuần sau đó đóng cửa nghỉ lễ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/02, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 03/2015 đạt 1.407 USD/tấn, giảm 27 USD/tấn (-1,9%) so với ngày đầu tuần và giảm 25 USD/tấn (-1,7%) so với ngày cuối tuần trước (13/02).
Kết thúc ba tuần đầu tháng 02/2015, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.412 USD/tấn, giảm 11 USD/tấn (-0,8%) so với trung bình tháng 01/2015, và giảm 473 USD/tấn (-25,1%) so với tháng 02/2014.
Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán cũng biến động tương tự như tại sàn TOCOM trong phiên đầu tuần sau đó đóng cửa nghỉ lễ. Kết phiên giao dịch ngày 17/02, giá SMR 20 đạt 1.420 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn (+0,1%) so với ngày cuối tuần trước.
Giá SMR 20 trung bình ba tuần đầu tháng 02/2015 do MRB chào bán đạt 1.409 USD/tấn, giảm 17 USD/tấn (-1,2%) so với trung bình tháng 01/2015 và giảm 500 USD/tấn (-26,2%) so với tháng 02/2014.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam
0 comments:
Post a Comment