Trong tuần từ ngày 12/01 đến 16/01/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới biến động giảm trong hầu hết các phiên giao dịch và xuống mức thấp hơn so với cuối tuần trước. Kết thúc tuần 16/01, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản hợp đồng giao tháng 6/2015 là 1.656 USD/tấn, giảm 4,3% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 02/2015 trên sàn SICOM Singapore là 1.382 USD/tấn (-5,0%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do MRB chào bán ở mức 1.399USD/tấn (-3,1%); giá SVR 3L của Việt Nam ở mức 1.580USD/tấn (-3,1%).
Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần
- Giá dầu Brent phiên 12/01/2015 xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 6 năm sau khi Tập đoàn Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu và OPEC đã quyết định không giảm mục tiêu sản lượng. Giá dầu Brent giao tháng 2/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 2,68 USD (-5,3%) xuống 47,43 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 2/2015 trên sàn Nymex New York giảm 2,29 USD (-4,7%) xuống 46,07 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
- Đồng Yên lại trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn hơn so với đồng USD và Euro trên thị trường tiền tệ do lo ngại về áp lực lạm phát toàn cầu khi giá dầu tiếp tục lao dốc. Theo đó trong phiên giao dịch ngày 12/01/2015, USD giảm 0,2% so với Yên xuống giao dịch ở 118,3 Yên đổi 1 USD, ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp.
- Ngân hàng Thế giới (World Bank) hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015. Cụ thể theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của World Bank, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2015 và 3,3% trong năm 2016. Hai con số này đều thấp hơn dự báo tăng trưởng 3,4% và 3,5% mà WB từng đưa ra hồi tháng 6/2014. Theo WB, hiện có 4 rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Thứ nhất là hoạt động thương mại toàn cầu vẫn yếu. Thứ hai là khả năng dễ bị tổn thương của các thị trường tài chính trước những thay đổi về chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn. Thứ ba là mức độ ảnh hưởng từ đà lao dốc của giá dầu đến nguồn thu của các nước sản xuất dầu mỏ. Thứ tư là rủi ro giảm phát tại trong khu vực đồng Euro hay Nhật Bản.
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 12/01 - 16/01/2015
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 6/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm liên tiếp qua các phiên giao dịch do giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâuxuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 6 năm qua và đồng Yên tăng giá so với USD nên các nhà đầu tư chủ yếu đặt lệnh bán vào các phiên đầu tuần. Ngoài ra, giá cao su trong tuần qua còn chịu ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Thế giới (World Bank) hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống còn 3% trong năm 2015 và 3,3% trong năm 2016; hai con số này đều thấp hơn dự báo tăng trưởng 3,4% và 3,5% mà World Bank từng đưa ra hồi tháng 6/2014. Kết thúc tuần (16/01) giá cao su đạt 1.656 USD/tấn, giảm 64 USD/tấn (-3,7%) so với ngày đầu tuần (13/01) và giảm 74 USD/tấn (-4,3%) so với ngày cuối tuần trước (09/01).
Kết thúc ba tuần tháng 01/2015, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.721 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 42 USD/tấn (+2,5%) so với mức giá trung bình tháng 12/2014 nhưng giảm 703 USD/tấn (-29,0%) so với tháng 01/2014.
Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động như tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần ngày 16/01, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 02/2015 đạt 1.382 USD/tấn, giảm 63 USD/tấn (-4,4%) so với ngày đầu tuần và giảm 73 USD/tấn (-5,0%) so với ngày cuối tuần trước (09/01).
Kết thúc ba tuần tháng 01/2015, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.455 USD/tấn, giảm 22 USD/tấn (-1,5%) so với trung bình tháng 12/2014, và giảm 733 USD/tấn (-33,5%) so với tháng 01/2014.
Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán trong tuần qua cũng giảm liên tiếp qua các phiên giao dịch. Kết thúc tuần, giá SMR 20 đạt 1.399 USD/tấn, giảm 59 USD/tấn (-4,0%) so với ngày đầu tuần và giảm 46 USD/tấn (-3,1%) so với ngày cuối tuần trước.
Giá SMR 20 trung bình ba tuần tháng 01/2015 do MRB chào bán đạt 1.455 USD/tấn, giảm 17 USD/tấn (-1,2%) so với trung bình tháng 12/2014 và giảm 743 USD/tấn (-33,8%) so với tháng 01/2014.
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 12/01 - 16/01/2015
Trong tuần từ 12/01 - 16/01/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán giảm một lần vào ngày 13/01 sau đó tiếp tục giữ ổn định. Kết thúc tuần, giá SVR 3L xuất khẩu đạt 1.580 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn (-3,1%) so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó (09/01).
Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình ba tuần tháng 01/2015 đạt 1.610 USD/tấn, tăng 60 USD/tấn (+3,9%) so với mức trung bình trong tháng 12/2014, nhưng giảm 685 USD/tấn (-29,8%) so với tháng 01/2014.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam
0 comments:
Post a Comment