Trong tuần từ ngày 19/01 đến 23/01/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới biến động theo xu hướng tăng trong các phiên giao dịch, ngoại trừ sàn MRE. Kết thúc tuần, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản hợp đồng giao tháng 6/2015 là 1.681 USD/tấn, tăng 1,5% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 02/2015 trên sàn SICOM Singapore là 1.403 USD/tấn (+1,5%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do MRB chào bán ở mức 1.406 USD/tấn (+0,5%); giá SVR 3L của Việt Nam ở mức 1.530 USD/tấn (-3,2%).
Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần
- Kinh tế Trung Quốc năm 2014 tăng trưởng chậm nhất 24 năm qua. Cụ thể theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014 - tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 thời điểm Trung Quốc hứng chịu đòn trừng phạt từ quốc tế vì vụ thảm sát tại Thiên An Môn (1989). Như vậy, Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% của chính phủ cho năm 2014. Trong 2 năm trước đó, kinh tế Trung Quốc đều đã tăng trưởng 7,7%.
- Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) mới công bố, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 từ 3,8% xuống còn 3,5% và trong năm 2016, từ 4% xuống 3,7%. IMF cho biết kỳ vọng đối với hầu hết các nền kinh tế, trừ Mỹ, đều giảm thấp bất chấp những lợi ích mà đà trượt dốc của dầu thô mang lại. Cụ thể IMF dự báo, các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong cả 2 năm 2015 và 2016 với xu hướng tăng trưởng khác biệt rõ rệt giữa Mỹ và châu Âu, Nhật Bản. Đối với khối thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo vẫn ổn định ở 4,3% trong năm 2015 và tăng lên 4,7% trong năm tiếp theo.
- Ngày 20/01/2015, giới đầu tư bắt đầu bán tháo Yên với tâm lý giao dịch rất thận trọng trước khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục nới lỏng chính sách hơn. Cụ thể, USD lên cao nhất 1 tuần so với Yên ngay sau khi chính phủ Trung Quốc công bố số liệu GDP đáng thất vọng. USD tăng 1,1% so với Yên lên 118,8 Yên. Ngoài ra, Euro cũng tăng lên 137,65 Yên từ mức thấp nhất 3 tháng ghi nhận được trong ngày 16/01. Bảng Anh tăng lên
- Giá dầu phiên 21/01 tăng nhưng vẫn ở mức gần thấp nhất 5,5 năm khi giới đầu tư cho rằng dư cung còn kéo dài. Giá dầu tăng một phần cũng nhờ tin tức cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố chương trình kích thích để thúc đẩy kinh tế châu Âu, làm tăng hy vọng nhu cầu dầu thô sẽ tăng. Giá dầu Brent giao tháng 3/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 1,04 USD, tương đương 2,2%, lên 49,03 USD/thùng, dứt mạch giảm 2 ngày liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 3/2015 trên sàn Nymex New York tăng 1,31 USD, tương đương 2,8%, lên 47,78 USD/thùng.
- Tồn kho cao su tại Nhật Bản ở mức 13.044 tấn tính đến ngày 10/01/2015, giảm 2% so với 10 ngày trước đó, Hiệp hội Thương mại cao su Nhật Bản cho biết.
- Hội đồng Quốc gia về Hòa bình và Trật tự (NCPO) cho biết chính phủ Thái Lan sẽ chỉ thị Ngân hàng Tiết kiệm Nhà nước (the Government Savings Bank) và Ngân hàng Krung Thai cung cấp cho doanh nghiệp các khoản vốn vay ưu đãi với giá trị 25 tỷ Baht (768 triệu USD) để mua cao su thiên nhiên từ tiểu điền, theo Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon cho biết.
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 19/01 - 23/01/2015
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 6/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) biến động tăng trong các phiên đầu tuần do đồng Yên suy yếu cùng với sự hỗ trợ từ giá dầu thế giới đã tăng nhẹ vào ngày 21/01. Tuy nhiên, trong tuần qua thị trường cao su thiên nhiên phải đối mặt với những thông tin không thuận lợi như IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 từ 3,8% xuống còn 3,5% và trong năm 2016 từ 4% xuống 3,7%; trong khi nền kinh tế của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014, là mức tăng chậm nhất kể từ năm 1990 do đó không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% mà chính phủ đề ra. Đến phiên cuối tuần (23/01) giá cao su giảm nhẹ xuống còn 1.681 USD/tấn, tăng 24 USD/tấn (+1,5%) so với ngày đầu tuần (19/01) và tăng 25 USD/tấn (+1,5%) so với ngày cuối tuần trước (16/01).
Kết thúc bốn tuần tháng 01/2015, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.704 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 24 USD/tấn (+1,4%) so với mức giá trung bình tháng 12/2014 nhưng giảm 720 USD/tấn (-29,7%) so với tháng 01/2014.
Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động tương tự như tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần ngày 23/01, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 02/2015 đạt 1.403 USD/tấn, tăng 23 USD/tấn (+1,7%) so với ngày đầu tuần và tăng 21 USD/tấn (+1,5%) so với ngày cuối tuần trước (16/01).
Kết thúc bốn tuần tháng 01/2015, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.432 USD/tấn, giảm 44 USD/tấn (-3,0%) so với trung bình tháng 12/2014, và giảm 755 USD/tấn (-34,5%) so với tháng 01/2014.
Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán sau khi giảm trong các phiên đầu tuần thì tăng trở lại trong hai phiên cuối tuần. Kết thúc tuần, giá SMR 20 đạt 1.406 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn (+0,4%) so với ngày đầu tuần và tăng 7 USD/tấn (+0,5%) so với ngày cuối tuần trước.
Giá SMR 20 trung bình bốn tuần tháng 01/2015 do MRB chào bán đạt 1.435 USD/tấn, giảm 37 USD/tấn (-2,5%) so với trung bình tháng 12/2014 và giảm 762 USD/tấn (-34,7%) so với tháng 01/2014.
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 19/01 - 23/01/2015
Trong tuần từ 19/01 - 23/01/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán giảm một lần vào ngày 20/01 và giữ ổn định đến cuối tuần. Kết thúc tuần, giá SVR 3L xuất khẩu ngày đạt 1.530 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn (-3,2%) so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó (16/01).
Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình bốn tuần tháng 01/2015 đạt 1.587 USD/tấn, tăng 37 USD/tấn (+2,4%) so với mức trung bình trong tháng 12/2014, nhưng giảm 708 USD/tấn (-30,9%) so với tháng 01/2014.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam