Trong tuần từ ngày 10/02 đến 14/02/2014, giá cao su thiên nhiên thế giới tại hai sàn giao dịch TOCOM và SICOM bắt đầu phục hồi trở lại sau khi giảm sâu xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2014 vào cuối tuần trước. Vào cuối tuần (14/02), giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật hợp đồng giao tháng 7/2014 đạt 2.214,8 USD/tấn (+1,8%) và giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 03/2014 trên sàn SICOM Singapore đạt 1.911 USD/tấn (+4,4%); giá SMR 20 xuất khẩu tại Malaysia đạt 1.944,5 USD/tấn (+4,5%); giá SVR 3L của Việt Nam đạt 2.245 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.
Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần
- Trong báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2014 vừa công bố ngày 9/2/2014, Ban Kinh tế học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo tăng trưởng GDP của nước này có thể đạt 7,5% trong năm nay, song đã hạ mức dự báo tăng trưởng đầu tư từ 20,1% trong dự báo hồi tháng 12/2013 xuống còn 19%, thấp hơn cả mức của năm 2013.
- Theo thông báo của tổ chức International Rubber Consortium Ltd. (IRCo), lượng cao su dự trữ tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang ở mức thấp và có khả năng sẽ còn giảm xuống nữa khi cây cao su bắt đầu vào mùa thấp điểm trong thu hoạch cao su. IRCo nhận định giá cao su thiên nhiên hiện ở mức thấp một cách "vô lý" và khuyên các tổ chức giao dịch cao su không nên bán cao su ra. IRCo cũng cho biết sẽ đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án quản lý nguồn cung cao su.
- Các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang tính đến việc cùng nhau hợp tác nhằm hỗ trợ giá cao su, một năm sau nỗ lực tương tự không thành, do giá lốp cao su giảm xuống mức thấp trong năm năm qua trước những lo ngại về tình kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu - đang tăng chậm lại.
Ấn Độ không phải là thành viên của IRCo, song Kerala, bang sản xuất chính của nước này, đã bắt đầu mua cao su ở mức giá cao hơn giá thị trường từ người nông dân sau khi giá cả trong nước giảm xuống mức thấp trong bốn năm qua.
Indonesia cũng đã kêu gọi nông dân nước này giảm khai thác mủ cao su. Trong khi, Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, và Malaysia, nước đứng ở vị trí thứ sáu về sản xuất, có thể lựa chọn việc xuất khẩu và cắt giảm sản lượng.
- Ông Chaiyos Sincharoenkul, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA) đã khuyên các nhà xuất khẩu cao su Thái Lan không nên bán loại cao su tấm hun khói dưới mức giá 1,90 USD (62,70 Baht)/kg do mức chi phí trung bình đối với các nhà sản xuất cao su tại khu vực Đông Nam Á hiện ở mức 60 Baht/kg.
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 10/02 - 14/02/2014
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 kỳ hạn trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) có dấu hiệu phục hồi trở lại sau khi giảm liên tục kể từ đầu tháng. Trong những tuần trước đó, giá cao su đã ở trong tình trạng bất ổn khi liên tục rớt giá một cách bất hợp lý dù cây cao su bước vào giai đoạn ngưng thu hoạch mủ và lượng cao su dự trữ tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang ở mức thấp. Trước tình hình này, tổ chức IRCo khuyên các tổ chức giao dịch cao su không nên tiếp tục bán cao su với mức giá thấp và sẽ đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án quản lý nguồn cung cao su; đồng thời các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang tính đến việc cùng nhau hợp tác nhằm hỗ trợ giá cao su. Nhờ vậy, giá cao su đã tăng trở lại vào phiên giao dịch đầu tuần (10/02) sau đó biến động tương đối ổn định trong các phiên còn lại. Kết thúc tuần (14/02) giá cao su RSS 3 giao tháng 7/2014 đạt 2.214,8 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn (-0,9%) so với ngày đầu tuần (10/02) nhưng tăng 40,2 USD/tấn (+1,8%) so với ngày cuối tuần trước (07/02).
Kết thúc hai tuần tháng 02/2014, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 2.192,7 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, thấp hơn 231,2 USD/tấn (-9,5%) so với mức giá trung bình tháng 01/2014 và thấp hơn 1.196,8 USD/tấn (-35,3%) so với tháng 02/2013.
Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua tăng liên tục trong các ngày đầu tuần nhưng giảm trở lại trong hai ngày cuối tuần. Vào cuối tuần ngày 14/02, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 03/2014 đạt 1.911 USD/tấn, giảm 11 USD/tấn (-0,6%) so với ngày đầu tuần nhưng tăng 80 USD/tấn (+4,4%) so với ngày cuối tuần trước (07/02).
Kết thúc hai tuần tháng 02/2014, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.887,1 USD/tấn, thấp hơn 300,3 USD/tấn (-13,7%) so với trung bình tháng 01/2014, và thấp hơn 1.158,3 USD/tấn (-38,0%) so với tháng 02/2013.
Tại Sở Giao dịch Cao su MRB Malaysia, giá cao su SMR 20 xuất khẩu tăng liên tục trong các phiên giao dịch và chỉ giảm nhẹ vào phiên cuối tuần. Kết thúc tuần, giá SMR 20 đạt 1.944,5 USD/tấn, tăng 54,5 USD/tấn (+2,9%) so với ngày đầu tuần và tăng 83 USD/tấn (+4,5%) so với ngày cuối tuần trước.
Giá SMR 20 trung bình hai tuần tháng 02/2014 đạt 1.909,2 USD/tấn, thấp hơn 288,5 USD/tấn (-13,1%) so với trung bình tháng 01/2014 và thấp hơn 1.153,3 USD/tấn (-37,7%) so với tháng 02/2013.
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu trong tuần 10/02 - 14/02/2014
Trong tuần từ 10/01 - 14/02/2014, sau khi giảm vào cuối tuần trước, giá cao su Việt Nam xuất khẩu giữ ổn định không đổi trong cả tuần, đạt 2.245 USD/tấn.
Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình hai tuần tháng 02/2014 đạt 2.265 USD/tấn, thấp hơn 30 USD/tấn (-1,3%) so với mức trung bình tháng 01/2014, và thấp hơn 870 USD/tấn (-27,8%) so với tháng 02/2013.
Theo Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam
0 comments:
Post a Comment